ẤN TƯỢNG VŨ KHÍ TRƯNG BÀY TẠI KHU LƯU NIỆM GIÁO SƯ, VIỆN SĨ TRẦN ĐẠI NGHĨA

18/09/2024

Trong hành trình khám phá vùng đất địa linh nhân kiệt tại tỉnh Vĩnh Long, tôi có dịp viếng thăm Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (GSVS TĐN) tọa lạc tại ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình. Đây là một trong những điểm tham quan, giáo dục truyền thống nổi tiếng của địa phương, đồng thời cũng là điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long. Trải nghiệm tham quan Khu lưu niệm, nghe kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, ắt hẳn mỗi người sẽ có những dòng suy nghĩ, cảm xúc khác nhau, riêng với tôi, đó chính là sự cảm phục trước tài năng của “Ông vua vũ khí” Trần Đại Nghĩa.

Đặt chân đến Khu lưu niệm, có lẽ điều đầu tiên khiến du khách ấn tượng đó chính là khu vực Quảng trường. Nơi đây nổi bật với hai tên lửa Sam 2 – vũ khí gắn liền với tên tuổi của GSVS TĐN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được biết tên lửa Sam 2 là loại tên do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam để đối đầu với pháo đài bay B52 của Mỹ. Lúc đầu, tên lửa Sam 2 không thể bắn được máy bay B52 bởi pháo đài bay B52 có hệ thống gây nhiễu hiện đại nên các phương tiện điện tử của ta không thể phát hiện được mục tiêu trên màn hình radar. Lúc bấy giờ, GSVS TĐN là người đã gợi ý và chỉ đạo bộ đội ta “vạch nhiễu tìm thù” để điều khiển Sam 2 bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ, góp phần làm nên thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên phủ trên không, bảo vệ bầu trời Hà Nội vào cuối tháng 12/1972.

Tên lửa Sam 2

Tiếp theo đó là khu vực nhà tưởng niệm, nơi đặt nghi thờ GSVS TĐN. Nhà tưởng niệm lúc nào cũng nghi ngút khói hương của du khách thập phương về viếng. Cũng như bao người, tôi kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương trầm tưởng nhớ GSVS TĐN – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Nơi đây, bên cạnh những bảng trích ghi lại công trạng của GSVS TĐN, tôi vô cùng ấn tượng với câu đối đề tặng của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh với nội dung ca ngợi tài năng, đức độ và đóng góp to lớn của GSVS TĐN trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước:

“Theo nghĩa lớn, trổ tài cao, người sau mộ đức

Chế súng ta, trừ giặc mạnh, sử nước lưu danh”.

Bên trong Nhà tưởng niệm

Hạng mục tiếp theo trong hành trình tham quan Khu lưu niệm đó chính là nhà trưng bày. Nơi đây, tái hiện sinh động, rõ nét về cuộc đời và sự nghiệp của GSVS TĐN. Đồng chí Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình), tỉnh Vĩnh Long. Ông được sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo, cha mất sớm, được mẹ và chị gái tảo tần lo ăn học. Tuy tuổi thơ không được trọn vẹn nhưng với tư chất thông minh, ý chí, nghị lực phi thường, đặc biệt là lòng yêu nước nồng nàn, ông đã nỗ lực học tập, lao động và cống hiến cho quê hương, đất nước. Để rồi mỗi khi nhắc đến tên ông, bao thế hệ người Việt Nam đều cảm phục trước tài năng và đức độ của một nhà khoa học hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc. Một người nuôi chí lớn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, quyết tâm du học, bí mật nghiên cứu về khoa học vũ khí ở trời Tây, rồi sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang, danh vọng nơi đất Pháp, với mức lương hiện hưởng mỗi tháng là 5.500 France (tương đương 22 lượng vàng) để theo Bác Hồ trở về tổ quốc tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Trong những hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý giá tại nhà trưng bày, tôi ấn tượng sâu sắc nhất là mảng trưng bày vũ khí gắn liền với tên tuổi của GSVS TĐN trong hai thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Tiêu biểu như súng Bazooka, SKZ, bom phóng, súng cối, thủy lôi cùng các loại đạn, mìn và vũ khí khác.

Đặc biệt, Khu tái hiện một góc Xưởng sản xuất quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên vừa được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng phục dựng vào tháng 9/2023, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh GSVS TĐN (13/9/1913 – 13/9/2023). Xưởng quân giới Giang Tiên là nơi Giáo sư làm việc đầu tiên khi trở về nước. Dựa trên kết quả nghiên cứu của đồng chí Trần Đại Nghĩa, các bộ phận chuyên môn trong xưởng mới tiến hành sản xuất vũ khí, bao gồm bốn công đoạn cơ bản: cưa, rèn, tiện và tổng lắp vũ khí. Hình ảnh đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự vượt qua muôn vàn khó khăn thiếu thốn, ngày đêm miệt mài nghiên cứu, chế tạo vũ khí đã chạm đến trái tim của biết bao du khách khi tham quan, trải nghiệm tại nơi đây.

Một góc Xưởng quân giới Giang Tiên

Nếu trong kháng chiến, GSVS TĐN đã cho ra đời những sản phẩm vũ khí hiện đại ngang tầm thế giới lúc bấy giờ, thì ngày nay, tiếp nối truyền thống nghiên cứu khoa học của Giáo sư,  quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ sản xuất vũ khí, trong đó có cả những vũ khí thế hệ mới. Đến Khu lưu niệm, du khách nhất định phải dừng chân khám phá Gian trưng bày sản phẩm quốc phòng, kinh tế do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng nghiên cứu, sản xuất từ năm 1975 đến năm 2023. Nơi đây trưng bày 104 sản phẩm, bao gồm 90 sản phẩm quốc phòng và 14 sản phẩm kinh tế. Nằm ở vị trí trung tâm của gian trưng bày là Nhà dàn DK1 – là chốt bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của tổ quốc, bảo vệ bình yên cho khai thác tài nguyên. Xung quanh Nhà dàn là mô hình các loại tàu phục vụ cho mục đích quân sự và kinh tế mà nổi bật là chiếc tàu vinh dự được mang tên Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Ngoài ra, là những sản phẩm như đạn pháo chiến dịch cỡ lớn, đạn pháo cao xạ, đạn pháo lễ hải quân, súng tiểu liên, súng trường, súng phóng lựu, súng cối triệt âm, các loại kính ngắm ngày, đêm cùng các trang thiết bị và vật tư bảo hộ an toàn cho người lính sử dụng trong huấn luyện và chiến đấu,... Gian trưng bày với những sản phẩm kể trên đã góp phần tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan Khu lưu niệm.

Gian trưng bày sản phẩm quốc phòng và kinh tế

Khu lưu niệm GSVS TĐN là trung tâm sinh hoạt truyền thống, nơi tham quan, nghiên cứu khoa học thu hút đông đảo du khách gần xa. Tham quan Khu lưu niệm, chúng ta càng thêm trân quý, tự hào về tài năng, đức độ của nhà khoa học anh hùng Trần Đại Nghĩa, người đã để lại cho đời những di sản vật chất và tinh thần vô giá.

Bài, ảnh: Mỹ Xuân

Ẩm thực

Địa điểm