LÒ CỐM, KẸO CỬU LONG: ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NÍU CHÂN DU KHÁCH TẠI VĨNH LONG

29/08/2024

Tọa lạc ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nằm cạnh dòng sông Cổ Chiên bình yên và hiền hòa. Nơi đây, vẫn còn lưu giữ một nghề truyền thống đã tồn tại hơn 15 năm đó là nghề làm cốm, kẹo. Từ thành phố Vĩnh long muốn qua lò cốm, kẹo du khách có thể di chuyển bằng phà An Bình, nếu đi ô tô phải di chuyển bằng phà Đình Khao. Hương thơm ngọt ngào của cốm, của dừa béo,… sẽ hấp dẫn du khách khi đến nơi đây.

Là một lò làm cốm, kẹo truyền thống, không máy móc hiện đại, cơ sở ưu tiên sử dụng những trang thiết bị và công cụ sản xuất dân gian đậm nét Nam Bộ xưa. Đây cũng là một điểm nhấn nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá nền văn hoá ẩm thực của Việt Nam nói chung và của địa phương Vĩnh Long nói riêng.

Chủ cơ sở là chị Dương Diệu Hiền, một người phụ nữ rất giỏi và tâm huyết với nghề, chị kết hợp làm cốm với du lịch đã tạo ra hiệu quả và thành công. Đây cũng là một trong những loại hình du lịch độc đáo, phá cách giúp hồi sinh cốm Việt, một nền văn hóa ẩm thực gần như đã bị lãng quên trước sự “xâm lấn” của những loại bánh, kẹo ngoại nhập.

Để có được những thẻ cốm thơm ngon phải trải qua khá nhiều công đoạn: Chọn lúa và lọc cát, tiếp theo là rang lúa, và sàn hạt lúa nổ, ngào đường, trộn cốm, cán đều cốm, cắt cốm và đóng gói thành phẩm.

Nguyên liệu làm cốm sẽ được chọn lọc cẩn thận ngay từ đầu vào, thường thì sẽ chọn lúa nếp hoặc sợi mì (thành phần được làm từ củ khoai mì), chứ không như cốm bên ngoài thị trường là lúa gạo. Vì lúa nếp sẽ có độ thơm và béo hơn hẳn, nguyên liệu phải ngon và chuẩn thì thành phẩm sẽ rất hấp dẫn. Khâu quan trọng nhất cũng là khâu chọn lúa, nếu chọn phải lúa không tốt thì coi như cả mẻ cốm phải bỏ đi. Mỗi công đoạn sản xuất sẽ được đảm nhiệm bởi những người thợ lành nghề khác nhau, tùy thuộc vào khối lượng và mức độ phức tạp của công việc

Khâu đầu tiên chính là nổ cốm

Người thợ sẽ cho một lượng lúa vào một chiếc chảo lớn có lớp cát đen nóng ở bên dưới, lớp cát này giúp lan tỏa nhiệt lên hạt lúa cùng với đảo đều tay từ 30 đến 40 giây trong một lần là lúa phồng ra thành cốm. Để làm công đoạn này thành công, người thợ phải có kinh nghiệm đảo lúa, lớp cát trong chảo phải đủ độ nóng thì thành phẩm cốm mới chín hoàn toàn, không bị cứng và sượng.

Tiếp đến sẽ là bước sàn hạt lúa nổ, những bỏng cốm đã nở đều sẽ được thợ chuyển nhanh qua một chiếc ray lớn nằm gần đấy, sàng cho sạch cát.

Người thợ sẽ chuẩn bị một chiếc chảo lớn khác với những nguyên liệu cơ bản như: đường, mạch nha, thêm nước cốt hoặc sữa,…để hương vị thêm đậm đà và sau đó sẽ được nấu và khuấy trộn đều tay cho đến khi đạt được độ kẹo đặc nhất định.

Tiếp đến sẽ là công đoạn trộn cốm: cốm nổ được cho vào chảo nguyên liệu lúc nãy và sẽ cần hai người thợ kết hợp đảo nhanh và nhịp nhàng cho đến khi đường và cốm được trộn đều.

Công đoạn cán cốm: Cốm sau khi được trộn đều sẽ được cho vào một khuôn gỗ đã được kẻ ô. Hai người thợ sẽ nhanh tay dùng một cán đồng rất nặng để nén cốm vào khung.

Công đoạn dùng dao bầu cắt cốm thành hình thẻ

Công đoạn cuối cùng, những thẻ cốm thơm ngon, hấp dẫn được đóng gói sạch sẽ và nhanh chóng nhằm giữ được độ giòn tự nhiên.

Số lượng khuôn cốm thành phẩm ra lò trung bình từ 5 đến 10 bàn cốm mỗi ngày, để du khách luôn luôn được thưởng thức và mua cốm một cách trọn vẹn nhất.

Hiện tại các mặt hàng cốm ở Cửu Long khá đa dạng, với cốm mì sẽ có hai loại: mì đậu phộng và mì chà bông; còn với cốm ngọt sẽ gồm: cốm sữa, tự nhiên, ca cao, sầu riêng, rừng, dâu, gấc, lá dứa,… những thực khách dùng chay vẫn có thể thưởng thức thoải mái.

Trung bình mất từ 5 đến 10 phút tùy theo độ dễ và khó của từng công đoạn, riêng công đoạn nổ cốm chỉ mất từ 30 đến 40 giây. Người thợ hoàn toàn làm thủ công để du khách có thể nhìn trực tiếp quá trình làm cốm. Bên cạnh đó, thực khách còn được tận tay trải nghiệm một số công đoạn đơn giản và thưởng thức, nhâm nhi thành phẩm được sản xuất tại chỗ cùng với trà nóng hay mua về làm quà cho bạn bè, người thân.

Nghề cốm, kẹo là một hướng đi phát triển du lịch tạo hiệu quả rõ rệt, mang lại giá trị kép, vừa lưu giữ và quảng bá được nét truyền thống của nghề, vừa cải thiện thu nhập cho người dân địa phương./.

Bài, ảnh: Dung Nghi

Ẩm thực

Địa điểm