Dâng hương kỷ niệm 27 năm Ngày mất Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao Động Trần Đại Nghĩa

29/08/2024

Sáng ngày 09/8/2024, tại Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ (GS,VS) Trần Đại Nghĩa (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long tổ chức dâng hương kỷ niệm 27 năm Ngày mất của GS,VS, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (07/7/1997 - 07/7/2024 âm lịch).

Tham dự, có đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long; đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và quần chúng Nhân dân. 

Tại đây, các đại biểu đã thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân cuộc đời, sự nghiệp người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

GS,VS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, quê quán tại xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông là một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là nhà khoa học lớn, đại diện xuất sắc cho đội ngũ khoa học Việt Nam. Năm 1935, ông đi du học tại Pháp. Sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, ông đã nhận được ba bằng Đại học: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân toán học. Sau đó, ông học tiếp và nhận thêm bằng Kỹ sư hàng không và Kỹ sư mỏ. Trong 11 năm du học ở nước ngoài, ông đã âm thầm nghiên cứu về ngành chế tạo vũ khí với mục đích phụng sự Tổ quốc giành độc lập. 

Tháng 9/1946, cùng với một số trí thức yêu nước, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở về nước tham gia cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Ngày 05/12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Cục trưởng Cục Quân giới và được Bác đặt tên là Trần Đại Nghĩa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng các đồng chí của mình đã chế tạo thành công súng và đạn bazoka, súng đại bác không giật (SKZ), bom bay. Những loại vũ khí này đã tham gia hầu hết các trận đánh, duy trì cục diện chiến tranh nhân dân, tạo nên những kỳ tích mang màu sắc chiến tranh nhân dân Việt Nam. 

Năm 1948, ông được phong hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên, được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ Nhất năm 1952. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, GS,VS Trần Đại Nghĩa trở thành người hỗ trợ về tinh thần cho những phát minh về quân giới cho đến ngày đất nước giành độc lập. Dưới sự chỉ đạo của ông, nhiều loại vũ khí trang bị bằng vật liệu có sẵn, với công nghệ đơn giản đã được chế tạo thành công như: Ngòi thủy lôi áp suất ABS, các loại mìn, thủ pháo dù cho đặc công đánh hiểm, sau này phát triển thành thủ pháo dù cho đặc công đánh sâu trong lòng địch,...

GS,VS Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng và giao nhiều trọng trách quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam,... Dù ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Cuộc đời và sự nghiệp của GS,VS Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, quyết tâm và nghị lực phi thường vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tiêu biểu cho đỉnh cao về trí tuệ, bản lĩnh, năng lực và tâm huyết cống hiến để lại cho thế hệ trẻ nhiều bài học về sự say mê khoa học, dấn thân vì khoa học, tư duy sáng tạo, gắn với khoa học thực tiễn.

Ảnh 1: Đồng chí Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy dâng hương GS,VS Trần Đại Nghĩa.

Ảnh 2: Các đại biểu dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ, tri ân GS,VS Trần Đại Nghĩa.

Tin, ảnh: Hữu Thoại

 

Ẩm thực

Địa điểm