CÔNG THẦN MIẾU – NƠI LƯU GIỮ NHIỀU GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA VÀ MÃI MÃI LÀ NIỀM TỰ HÀO CỦA NHÂN DÂN VĨNH LONG

19/06/2024

Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long qua cầu Thiềng Đức (phường 5) khoảng 01 km, hoặc xuôi dòng Cổ Chiên về hướng đông đến vàm Cái Sơn Bé, du khách sẽ đến Miếu Công Thần.

Ngày 31/8/1998, Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định công nhận Công Thần Miếu Vĩnh Long là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Theo Đại Nam nhất thống chí. Miếu Hội đồng ở Vĩnh Long xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837) tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình. Dân gian thường gọi Miếu Hội đồng là Đình Khao vì các quan ở thành Vĩnh Long thời bấy giờ thường sử dụng nơi đây mở tiệc khao thưởng quân lính.

Năm 1867, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền tây Nam kỳ, thực dân Pháp triệt hạ tất cả các thành trì, dinh thự, công trình văn hóa của nhà Nguyễn. Trong cơn tàn phá đó, thực dân Pháp dỡ Miếu Hội đồng đem về cất Tòa bố. Rất may, 85 đạo sắc và phần lớn đồ tự khí của Miếu Hội đồng được nhân dân bảo vệ, giữ gìn đem về thờ tạm tại đình làng Thiềng Đức.

Đến năm 1915, do ảnh hưởng của phong trào chấn hưng văn hóa, bà Trương Thị Loan (tức bà Phủ Y, con gái bá hộ Trương Ngọc Lang), bà Lê Thị Danh (vợ đốc phủ Tươi) cùng thân hào nhân sĩ Vĩnh Long vận động xin tái lập Miếu Hội đồng.

Ngày 27/4/1918 Thống đốc Nam kỳ ký quyết định cho phép tái lập Miếu Hội đồng Vĩnh Long.

Giới thân hào nhân sĩ  và nhân dân Vĩnh Long đóng góp nhiều công sức, tiền của để xây dựng lại ngôi miếu. Riêng ông Nguyễn Văn Kỷ hiến 01 mẫu đất, bà Trương Thị Loan đóng góp 4.000 đồng Đông dương (Thời giá lúc đó là 0,20đ/1 giạ lúa).

Sau khi việc tái thiết miếu hoàn tất, để tránh sự dòm ngó của chính quyền thực dân, nhân dân quyết định đổi tên Miếu Hội đồng Vĩnh Long thành Công Thần Miếu. Bắt đầu từ đây, trong dân gian xuất hiện huyền thoại về ngôi miếu Công Thần tạo lập thời Gia Long thứ 16 (1817) và là nơi thờ 85 vị Công thần đời Gia Long.

Ngôi miếu gồm có bốn nóc: chính tấm, võ qui, võ ca và nhà khách. Tuy nhiên, võ qui, võ ca và chính tấm đều làm theo kiểu “tứ trụ”. Bộ giàn trò bằng danh mộc, kiên cố nhưng đơn giản. Ngôi miếu có tường gạch bao quanh, nền lót gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong miếu Công thần có rất nhiều hoành phi, câu đối từ các địa phương tiến cúng, có các nhân vật ở miền Trung, miền Bắc. Riêng về cách bày trí thờ phượng không khác một ngôi đình làng.

Trong dân gian xưa nay vẫn xem Công Thần Miếu là nơi linh thiêng huyền bí với nhiều huyền thoại lưu truyền. Phần lớn các truyền thuyết tựu trung nhằm tôn vinh công lao và sự hiển linh của các vị thần, luôn đứng về phía người hiền đức, nhân hậu, thẳng tay trừng trị kẻ làm điều ác.

Hàng năm ở di tích Công Thần Miếu diễn ra nhiều lễ hội, điển hình như:

* Lễ Xuân tế cầu an : vào rằm tháng 2 âm lịch.

* Lễ Hạ điền: rằm tháng 5.

* Lễ Thu tế: rằm tháng 8.

* Lễ Thượng điền: rằm tháng 10.

Trong các dịp lễ hội hàng năm tại Công Thần Miếu thì Lễ Xuân tế cầu an luôn là lễ trọng đại nhất. Lễ hội kéo dài 4 ngày, đêm. Có hàng ngàn khách hành hương trong và ngoài tỉnh về đây chiêm bái. Nhiều nghi thức truyền thống được duy trì, nhiều sinh hoạt dân gian thu hút đông đảo khách tham quan, giao lưu, giải trí…

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, di tích Công Thần Miếu đã lưu giữ được nhiều di vật quý giá, duy trì những sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và cũng là biểu hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của nhân dân nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ./.

Một số hình ảnh về Công Thần Miếu

Cổng Tam quan

Đài Công Thần hay còn gọi là Bức Bình Phong (biểu tượng của Công Thần Miếu)

Võ qui là nơi các thành viên trong Ban hội tề tựu trước khi cúng tế

Trước gian tiền điện có 03 bức hoành phi đề: Công Thần linh miếu (giữa), Hà thanh hải yến (bên trái), Quốc thái dân khương (phải)

Biển hoành phi trong võ qui đề: Hộ quốc tí dân (tức giúp nước, che dân)

Gian thờ chính ở Chánh điện: Thần lầu và cặp hạc trắng là do vua triều Nguyễn ban tặng cho Miếu Hội đồng Vĩnh Long. Phía trên là biển hoành phi đề “Vạn cổ anh linh” (tức ngàn năm linh ứng)

Bản sao chụp của 85 đạo sắc

Trung tâm chánh điện

Long đình cất giữ 85 đạo sắc phong thần (các lệ cúng trong năm Long đình sẽ được mở)

Bảng kỷ niệm tái thiết lập Công Thần miếu, được viết bằng 03 ngôn ngữ (Việt, Hán, Pháp)

Tin: Hồng Xinh Xinh

                                                                   Ảnh: Louis Ho

Nguồn: Tóm lược từ tài liệu của Bảo tàng Vĩnh Long

Ẩm thực

Địa điểm