Từ ý tưởng đến hình thành sản phẩm du lịch gắn với làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long

17/06/2024

Vĩnh Long là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có trữ lượng đất sét phèn lớn, vì vậy có lợi thế để phát triển nghề gạch, gốm. Đã từ rất lâu, quê hương Vĩnh Long tự hào với danh xưng “Thủ phủ lò gạch”, “Vương quốc gốm đỏ” với những làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vươn xa ra tầm quốc tế. Từ những năm 90, gốm đỏ của Vĩnh Long đã ký kết hợp đồng xuất khẩu, đây là niềm tự hào của người Vĩnh Long về nghề truyền thống của ông cha để lại.

Chú Nguyễn Văn Buôi sinh ra và lớn lên tại gia đình có truyền thống làm nghề gốm đỏ Mang Thít và có những giai đoạn cũng thăng trầm với nghề. Bản thân chú theo nghề này từ nhỏ nên cho đến nay tình yêu dành cho gốm là vô bờ bến. Và câu chuyện về gốm từ trang trí đến trở thành gốm xây dựng và ngôi nhà gốm độc đáo trở thành điểm tham quan tại phường 5, TP. Vĩnh Long đã xuất phát từ đây.

Điểm tham quan Nhà gốm Tư Buôi (Phường 5, TP Vĩnh Long)

Từ năm 2009 do những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nghề gốm có những khó khăn, bản thân chú luôn trăn trở muốn tìm hướng đi mới cho gốm, nâng tầm giá trị sản phẩm. Chú đã có những ý tưởng ban đầu, mang tính phá cách đối với sản phẩm gốm, ý tưởng nảy sinh là làm ra sản phẩm gốm không chỉ để trang trí mà làm sao nó gắn được với nhu cầu thực tế cần thiết với mọi người, ý tưởng ban đầu là những sản phẩm gắn với xây dựng như: cột, kèo, cổng gốm, nhà mát bằng gốm và khá táo bạo là có thể nào làm cả căn nhà bằng gốm. Nhưng để tạo nét tinh xảo, gắn hồn quê, văn hóa của dân tộc lên sản phẩm của mình thì không thể chỉ là gốm trơn mà phải khắc họa những họa tiết tinh tế,…. Nhiều ý tưởng nảy sinh, song do có một số khó khăn ban đầu mà chủ yếu là về kinh tế nên chú đành ngậm ngùi tạm gác ý tưởng.

Kể từ năm 2011, với nhiều văn bản của Trung ương và tỉnh được ban hành và nêu rõ chủ trương khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tiếp tục xây dựng lộ trình phù hợp với từng địa phương để sớm chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường, nghề gạch gốm ở Vĩnh Long cũng lâm vào nhiều khó khăn.

Từ giai đoạn 2014 trở đi làng nghề làm gốm cũng dần bị tác động, đìu hiu hơn trước, nhưng với quyết tâm không để nghề truyền thống mai một, chú Tư Buôi quay lại với những ý tưởng trước đây nhằm mục đích tạo sự phá cách, khoác lên chiếc áo mới cho gốm hướng ra mới cho sản phẩm, chú đã mạnh dạn thực hiện ý tưởng táo bạo của mình là tạo ra sản phẩm gốm gắn với công trình xây dựng sắc sảo và không gì hơn là làm bằng chất liệu hoàn toàn gốm, xây dựng được một căn nhà hoàn chỉnh kiểu Nam Bộ xưa. 

Với quyết tâm của bản thân, chú Tư Buôi đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu và đi tham quan các kiểu nhà, định hướng cách làm, cuối cùng cũng tìm được và khá ưng ý là căn nhà kiểu "ba gian, hai chái", chú tự tay phát thảo thiết kế bản vẽ về ý tưởng của mình, phác họa sơ bộ những chi tiết kết cấu cho căn nhà. Qua bàn tay tài hoa của đội ngũ thợ lành nghề, các phần cột, hoa văn, kết cấu căn nhà đã dần được làm ra.

Năm 2018, căn nhà gốm đỏ tại phường 5, TP Vĩnh Long được khởi công và chỉ trong vòng 3 tháng căn nhà đã lắp ráp xong khung sườn. Khi hoàn thiện, nhà có diện tích gian chính khoảng 200m2, khu nhà sau 100m2, tổng giá trị xây dựng căn nhà khoảng 5 tỉ đồng. Vách tường nhà được xây bằng gạch ống kích thước lớn gần gấp đôi gạch thường, không tô do chính lò gạch nhà chú tư Buôi sản xuất. Ngoài ra, căn nhà còn có những công trình phụ để minh họa tăng tính thẩm mỹ chung. Hoa văn trên chất liệu gốm của căn nhà rất đẹp, về mặt chế tác thì độ thẩm mỹ được đánh giá cao. Có nhiều cơ quan báo, đài đã đến tham quan và đưa tin, đánh giá ngôi nhà mang tính độc đáo bậc nhất miền tây – “đây là niềm hãnh diện không chỉ cho tôi mà còn cho sản phẩm làng nghề gạch, gốm của Vĩnh Long chúng ta” theo chú tư chia sẻ.

Khuôn viên bên trong căn nhà chính, khu vực tiếp khách

Mục đích xây căn nhà gốm đỏ độc đáo trên là để thể hiện tình yêu với nghề gốm đỏ theo cách riêng của chú Tư Buôi. Đồng thời, chú cho biết để quảng bá làng nghề, sản phẩm làng nghề vang bóng một thời của tỉnh cho mọi người biết đến, chú đã bắt đầu mở cửa cho khách đến tham quan nhà từ năm 2018 và được đông đảo du khách gần xa ủng hộ. Nơi đây làm điểm tham quan du lịch nhằm giúp cho du khách khi đến với Vĩnh Long, họ hiểu được nét độc đáo, văn hóa làng nghề của Vĩnh Long, mặc dù làng nghề gạch, gốm không còn được như trước nhưng nó vẫn không bị mai một. Thời gian qua, để điểm tham quan này luôn thu hút du khách, chú đã đầu tư thêm để tạo điểm nhấn cho ngôi nhà như: bộ nội thất bằng gỗ bên và gõ mật tạo tác theo kiểu giả cổ cho phù hợp tổng thể ngôi nhà kiểu nhà tầng lớp địa chủ dưới chế độ phong kiến; sưu tầm các bộ sưu tập đồ đồng xưa quý hiếm. Bên ngoài nhà còn trưng bày các nông cụ nhằm tái hiện đời sống sinh hoạt nông thôn Nam Bộ đậm nét; bố trí thêm các quầy phục vụ các loại bánh dân; chuẩn bị trang phục của tầng lớp địa chủ và người nông dân thời phong kiến cho khách tham quan thuê khi muốn nhập vai mặc để chụp ảnh,...

Khu vực bên hông nhà chính

Chú Tư Buôi cho biết, thời gian tới, chú sẽ tiếp tục triển khai khu nhà gốm và hoa tại khu vực Minh Linh – phường 5 TP Vĩnh Long, hy vọng đây cũng sẽ là điểm tiếp nối giúp quảng bá nét đẹp sản phẩm làng nghề gạch, gốm của quê hương đến với mọi người.

Qua trao đổi, theo chú để tiếp tục gắn kết phát triển du lịch với làng nghề gạch, gốm trong thời gian tới, chú đề nghị các ngành, các cấp cần quan tâm và có chính sách thiết thực hỗ trợ cho làng nghề, đặc biệt triển khai nhanh Đề án di sản đương đại Mang Thít (du lịch làng nghề gạch, gốm) để quảng bá làng nghề của chúng ta cho mọi người biết đến. Ngoài ra, tăng cường quảng bá, gắn kết các cơ sở lữ hành với các điểm đến làng nghề gạch gốm Mang Thít, qua đó để người dân có thể chuyển đổi hướng vừa sản xuất vừa gắn kết làm du lịch, có thêm nguồn thu nhập đáp ứng sinh kế trong thời gian chuyển đổi nghề. Cần phát động những cuộc thi, sáng tạo, chế tác sản phẩm gốm tinh xảo định hướng để làm quà tặng, quà lưu niệm từ những sản phẩm gạch, gốm của tỉnh phục vụ cho du khách khi đến Vĩnh Long; các cơ quan chuyên môn tranh thủ tạo điều kiện để quảng bá nghề gạch, gốm và các sản phẩm tại các sự kiện lớn của tỉnh, khu vực; trưng bày công viên, quảng trường, tiểu cảnh xuân,…để tạo thương hiệu đặc trưng vì danh xưng “Thủ phủ lò gạch”, “Vương quốc gốm đỏ” đã có từ lâu và đó cũng chính là cái đặc thù của Vĩnh Long, có như vậy danh xưng một thời của làng nghề truyền thống sẽ không bị phai mờ, giúp nghề truyền thống của cha ông không bị mai một mà chuyển sang hướng đi mới – đó là hướng đi gắn với du lịch.

                                                                                       Trọng Tín

Ẩm thực

Địa điểm