MỘT SỐ NGÔI CHÙA CÓ KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN VỚI DU LỊCH VĨNH LONG

17/06/2024

Vĩnh Long là địa phương không rừng, không núi, không biển, không giáp biên giới như một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Nhưng với lợi thế vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm giữa hai dòng sông chính là Tiền Giang và Hậu Giang, cách TP HCM 136 km và TP Cần Thơ 33 km, giao thông thủy và bộ rất thuận lợi, có 5 quốc lộ đi ngang qua; diện tích phần lớn là đất nông nghiệp; cảnh quan sông nước thanh bình, ruộng vườn phì nhiêu, cùng truyền thống văn hóa giàu bản sắc Nam bộ và lịch sử lâu đời của vùng đất Long Hồ Dinh, du lịch Vĩnh Long thời gian qua đã tập trung loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương. Qua đó, đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, nhiều công ty lữ hành lựa chọn để thực hiện tour, tuyến du lịch.

Bên cạnh loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan làng nghề, khi du khách đến với du lịch Vĩnh Long nhất thiết cũng không thể nào bỏ qua việc viếng thăm một số ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, đẹp mắt. Đây cũng được xem như những điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh mà thời gian qua du khách thường đến tham quan vào dịp đầu năm hay các lễ cúng rằm,... Dưới đây là một số điểm đến giới thiệu cùng mọi người.

1. Chùa Phước Hậu (Tổ Đình Phước Hậu): Tọa lạc tại ấp Đông Phú, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Chùa ban đầu chỉ là một am tranh nằm bên dòng sông Hậu, được vài thiền sư vãng du dừng chân tạm. Qua nhiều năm tháng am bị mối mọt phá hủy, hư mục nên khoảng năm 1894 có ông Hương cả Lê Văn Gồng người ở địa phương sùng bái đạo Phật nên vận động một số bà con Phật tử đứng ra xây dựng lại ngôi chùa kiến trúc khung sườn bằng gỗ, vách xây tường đá vôi mái lợp ngói, nền lát gạch tàu, quay về hướng tây. Đặt tên là chùa Đông Hậu, sau đó đổi tên thành chùa Phước Hậu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chùa Phước Hậu là cơ sở hoạt động vững chắc của các tổ chức, các cơ quan từ xã, huyện ,tỉnh, khu Tây nam bộ, Trung ương cục miền Nam.

Chùa được xây dựng gồm nhiều công trình: chính điện, trung điện, hậu tổ, giảng đường, tháp chuông,... Chùa Phước Hậu một ngôi chùa cổ nổi tiếng là thắng cảnh tỉnh Vĩnh Long, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nét cổ kính mang nét kiến trúc phương Đông, cảnh quang thanh nhã với nhiều cây cổ thụ, sông nước hữu tình. Hằng năm, chùa Phước Hậu có các ngày lễ: rằm tháng giêng, lễ Phật đản, lễ Vu Lan, rằm tháng 10…thu hút đông đảo phật tử tham dự, khách thập phương đến chiêm bái (trên 6.000 lượt khách mỗi năm). Ấn tượng nhất đối với nhiều khách tham quan chùa chính là những bài kinh khắc trên đá rất công phu – chỉ có duy nhất tại đây, các tấm bia được nhà chùa bố trí hài hòa thành những khu vườn kinh theo chủ đề khác nhau. Vườn kinh với trên 200 phiến đá khắc các bài kinh phật trên 2 mặt, ngoài ra còn có một số bài thơ, những lời răn dạy của đạo Phật rất độc đáo… Đến nơi đây, khách thập phương không chỉ tham quan, thưởng ngoạn, hít thở không khí trong lành giúp thanh thản mà còn được chiêm ngưỡng vườn kinh đá độc đáo, có ý nghĩa giáo dục cao, giúp chúng ta thêm yêu quê hương, đất nước.

Cổng vào chùa Phước Hậu

Vườn Bia kinh

2. Thất Phủ Miếu (Chùa Ông)

Thất Phủ miếu toạ lạc khóm 1, đường Nguyễn Chí Thanh, phường 5, thành phố Vĩnh Long, diện tích xây dựng 783m2. Di tích được xây dựng từ năm 1872, đến năm 1897 khởi công trùng tu lại, đến năm 1909 hoàn thành và tồn tại đến ngày nay. Miếu thờ Quan Công, Quan Bình, Châu Sương.

Di tích Thất Phủ Miếu (Chùa Ông)

Bên hữu thờ bà Thiên Hậu; bên tả thờ Phước Đức Chính thần (Ông bổn). Di tích Thất Phủ Miếu mang đậm nét cổ kính của dân tộc Hoa, thiết kế theo kiểu cung đình Phước Kiến. Những mảnh chạm khắc, những hoành phi câu đối được khắc ghi những tiểu tích cổ sử rất công phu và tinh sảo, màu sắc sặc sỡ, sơn son thếp vàng... Di tích thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Hoa Việt lúc bấy giờ (có một số cột vuông theo lối kiến trúc của người Việt, nhà ngang làm theo kiểu Nam Bộ – kèo, trính).

Miếu Thất Phủ tại Vĩnh Long có từ thời Nguyễn. Căn cứ vào các tài liệu lịch sử, tướng nhà Minh mạt là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên sang nước ta lánh nạn. Đại nam thực lục (tiền biên) chép: “Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào, thì người Hoa ở Vĩnh Long thuộc nhóm Dương Ngạn Địch”. Nhà Nguyễn thời ấy cho phép họ lập hội Thất Phủ, giống như các bang hội đồng hương của người Hoa hiện nay. Do địa hình thuận lợi đường thủy lẫn đường bộ nên người Hoa chọn nơi này đặt Hội quán giao tiếp.

Bên trong Thất Phủ Miếu (Chùa Ông)

Di tích ngày nay vẫn giữ được kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp mắt. Vào các dịp lễ, tết thu hút rt đông người dân địa phương, khách tham quan đến chiêm bái, thờ cúng và nghiên cứu, xin xăm gieo quẻ cầu may mắn,... Hằng năm ở Thất Phủ miếu có các kỳ lễ hội chính như: Lễ vía Quan Thánh Đế Quân (24/6 âm lịch), đây là lễ chính gắn kết được với du lịch; ngoài ra còn có Vía Quan Bình, Chu Xương; Vía Bà Thiên Hậu (22 – 23/3 âm lịch); Vía Phước Đức Chánh Thần- Ông Bổn (mùng 02 tháng 02 âm lịch).     

         3. Chùa Hạnh Phúc Tăng

Chùa Hạnh Phúc Tăng theo tiếng Khmer gọi là Sanghamangala tọa lạc tại ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Chùa Hạnh Phúc Tăng được xem là một biểu tượng văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer tại Vĩnh Long bởi lối kiến trúc cổ xưa rất độc đáo.  Chùa Hạnh Phúc Tăng được xây dựng vào năm 632, thế kỉ thứ VII. Ban đầu chỉ được lợp cây, lá đơn sơ, sau nhiều đợt trùng tu và tôn tạo, Chùa Hạnh Phúc Tăng đã có diện mạo khang trang, ấn tượng hơn trong khuôn viên rộng tới 3ha. Theo các nhà  sư kể lại thì chùa này có niên đại cao nhất so với các chùa Khmer khác trên địa phận hai tỉnh Vĩnh Long – Trà Vinh.  

Về tên chùa thì được các vị sư kể lại rằng: nơi đây ngày xưa là một khu rừng già có rất nhiều loài thú dữ, khiến dân chúng ngày đêm nơm nớp lo sợ. Một ngày kia, có một vị tu sỹ đến đây tu đạo và đồng thời giúp người dân thuần phục được thú dữ. Nhớ ơn công đức của vị tu sỹ đã mang lại bình yên cho mọi người, nên người dân đã đặt tên cho chùa là hạnh phúc.

Cổng vào chùa Hạnh Phúc Tăng

Tượng phật ở khuôn viên phía trước chùa

Chùa Hạnh Phúc Tăng có lối kiến trúc hòa trộn tinh tế giữa Thái Lan và Ấn Độ. Chánh điện được xây cao kiên cố, nền được lát gạch sạch sẽ. Mái lợp ngói thành 3 cấp, tạo nên độ dốc đẹp mắt, cổ kính. Chính giữa nóc có đỉnh nhọn được thiết kế, chạm khắc công phu. Bên trong chánh điện có đặt các pho tượng được chạm trổ tinh tế như tượng Phật thiền định, tượng Phật khất thực, tượng Đức Phật cảm thắng Ma Vương…

Đặc biệt nhất trong khuôn viên chùa chính là tượng Phật ban phước lành cao tới 12m, vô cùng uy nghiêm. Phía sau của chánh điện là sala, nơi đây có bàn thờ Phật để tiến hành những nghi lễ khác của chùa cũng là nơi để hội họp, tiếp khách của các phật tử. Bên cạnh đó, khuôn viên chùa còn có các sima, nơi chôn “hòn đá kiết giới” trong tu hành.

Ngoài kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp của chùa Hạnh Phúc Tăng còn ẩn chứa trong không gian nghiêm trang, cổ kính, tĩnh mịch. Bước vào không gian này, ngồi dưới bóng mát của tán cây cổ thu trăm năm tuổi, lắng nghe tiếng chim ríu rít bên tai tự nhiên sẽ thấy mình được tĩnh tâm, mọi muộn phiền trong cuộc sống bỗng dưng biến mất.

Hàng năm tại chùa diễn ra nhiều hoạt động lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer, trong đó có 3 lễ chính là: tết Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới), lễ Sen Đôn Ta (lễ cúng ông bà) và lễ Ok – Om – Bôk (lễ hội đút cốm dẹp hay còn gọi là lễ hội cúng trăng rằm tháng Mười) thu hút rất đông đồng bào phật tử trong vùng và khách du lịch Vĩnh Long đến tham quan, chiêm bái và dự lễ hội. Với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm, Chùa Hạnh Phúc Tăng luôn ẩn chứa một nét đẹp độc đáo pha lẫn nhiều giai thoại ly kỳ đã và đang mời gọi du khách gần xa đến tìm hiểu, khám phá.

4. Chùa Tiên Châu (Tiên Châu Cổ Tự)

Chùa Tiên Châu tọa lạc tại ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, với tổng diện tích 7.500m2. Chùa Tiên Châu có cách đây khoảng 250 năm. Qua nhiều lần trùng tu sửa chữa nhưng vẫn là ngôi chùa cổ xưa nhất ở Vĩnh Long. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, chùa Tiên Châu là nơi thường xuyên lui tới của cán bộ cách mạng. Ngôi chùa gắn với câu chuyện huyền bí về Bãi tiên.

Quy mô chùa giữ được nguyên vẹn với bốn nóc: tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Bộ giàn trò làm bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho. 

Nội điện chùa Tiên Châu được trang trí đẹp đẽ. Giữa tứ trụ là một khánh thờ, bên trong có một pho tượng Phật Di Đà bằng đất sét lớn. Hai bên là khánh thờ thần, khánh thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, Thập Điện Minh vương, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Địa Tạng, Chuẩn Đề, Hộ Pháp, Tiêu Diện Đại Sĩ. Hằng năm, chùa Tiên Châu có các lệ cúng vào ngày âm lịch: Các ngày rằm: rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười. Đến trưa ngày rằm cúng ngọ và đãi cơm chay cho khách hành hương. Trong đó, Lễ Phật đản (14,15 tháng 4 âm lịch) và Lễ Vu lan (rằm tháng 7 âm lịch) là 02 lễ chính có thể gắn kết với du lịch.

Chùa Tiên Châu là ngôi chùa cổ xưa nhất ở Vĩnh Long

Để đi đến chùa, khi du khách đến thành phố Vĩnh Long phải qua một chuyến đò ngang sông Cổ Chiên chừng 5 phút. Trên bến Bình Lương, trước mắt sẽ là cảnh ngôi chùa cổ uy nghi, nằm ẩn hiện dưới tán bồ đề; xung quanh là những vườn cây trái sum sê chôm chôm, mận, nhãn chín thơm lừng của xứ sở cù lao An Bình mến khách, sẽ cho các bạn một cảm giác thật tĩnh lặng, tâm hồn thư thái sau những ngày làm việc căng thẳng.

 5. Chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Nếu về du lịch miền Tây, bạn không thể bỏ qua chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Ngôi chùa mang trong mình kiến trúc độc đáo được ví như một cổ trấn thu nhỏ, khuôn viên thoáng đãng, không gian yên tĩnh. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở miền Tây được nhiều du khách lựa chọn khi du lịch.

Tọa lạc tại số 287A, ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, TP. Vĩnh Long được xây dựng từ năm 1970 là một trong những ngôi chùa thiêng liêng và lớn nhất ở tỉnh Vĩnh Long do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Đến nay ngôi chùa được xây dựng gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo như: chánh điện, cổng tam quan, giảng đường, bảo tàng, trai đường, thư viện…

Trong khuôn viên của ngôi chùa là tượng đài Đức Quán Thế Âm với chiều cao 32m và một bảo tháp cao 45m. Đây chính là điểm nhấn khác biệt độc đáo của chùa. Nơi đây còn là nơi tổ chức các sự kiện, hội nghị Phật giáo cấp Trung ương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trường Cao – Trung Phật học, là trung tâm giao lưu văn hóa Phật giáo, các khóa An cư kiết hạ, bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì cho Tăng Ni, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, chiêm bái cho Phật tử và tín đồ xa gần.

Cổng chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Khuôn viên ngôi chùa

Tượng đài Đức Quán Thế Âm với chiều cao 32m

Khi đứng trên quảng trường để lên tòa tháp của chùa, bạn sẽ vừa được nghe tiếng chuông chùa ngân nga trong gió lộng, vừa được nhìn ngắm thành phố Vĩnh Long nhộn nhịp từ trên cao, ngắm sông Tiền rộng mênh mông…thật đầy thú vị.

Ngoài ra, tại Vĩnh Long còn rất nhiều ngôi chùa với kiến trúc độc đáo, thu hút khác như: chùa Phù Ly thuộc thị xã Bình Minh, chùa Kỳ Son thuộc huyện Tam Bình, chùa Cũ và chùa Gò Xoài thuộc huyện Trà Ôn, thiềng viện Sơn Thắng thuộc Long Hồ, chùa Bà Thiên Hậu tại thành phố Vĩnh Long,…chắc chắn khi đến, du khách sẽ thỏa mãn việc khám phá điểm đến du lịch văn hóa tâm linh vừa có thể chiêm bái, cầu nguyện về những gì tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình. Hãy đừng bỏ qua các địa điểm trên khi đến với du lịch Vĩnh Long nhé mọi người.

          Thanh Vy

Ẩm thực

Địa điểm