Phát triển du lịch Vĩnh Long cần lắm sự gắn kết với làng nghề truyền thống

17/06/2024

Trong xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay, du lịch làng nghề được xem là một trong những mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới hướng đến.Thời gian qua, một số nước trong khu vực đã khai thác tốt loại hình du lịch này, qua đó ngày càng có đông du khách đến tham quan như: Thái Lan (Làng bình bát Baan Baat, làng nghề làm ô Bo Sang,..); Nhật (Làng nghề ghép gỗ Hatajuku, làng nghề gốm Arita,…); Indonesia (Làng kim hoàn Celuk, làng cổ điêu khắc gổ Kemenuh và Mas,…),…Với những tiềm năng phong phú và đa dạng về làng nghề và làng nghề truyền thống ở các địa phương của Việt Nam, việc phát triển du lịch gắn làng nghề có nhiều điều kiện rất thuận lợi.

Làng nghề truyền thống là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn có sức thu hút đặc biệt tại các điểm đến du lịch. Nguyên nhân là do, nó là nơi mà các dân tộc lưu trữ những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc, điều đó tạo nên sự trải nghiệm về mặt tinh thần cho khách du lịch khi tìm đến làng nghề. Mặt khác, sản phẩm làng nghề thường là các sản phẩm thủ công, sản phẩm tạo ra bởi tài hoa từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ. Khi du khách đến đây, họ mua sản phẩm làng nghề thì họ sẽ có được cảm giác lưu giữ những kết tinh độc đáo, nâng cao nhận thức của họ đối với các giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương.

Khái niệm du lịch làng nghề ở nước ta chỉ mới xuất hiện khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây. Khi đó, du lịch làng nghề được hiểu như là một điểm tham quan trong một chương trình du lịch lớn. Dần về sau, nhận thấy được tiềm năng của du lịch làng nghề, các nhà quy hoạch du lịch mới bắt đầu khảo sát và xây dựng đề án cho những vùng có nghề truyền thống nổi tiếng tại các địa phương. Hiên nay, một số làng nghề có tiếng đã được đông đảo du khách biết đến và đến trải nghiệm phổ biến như: Làng nghề gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ,…Một số tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây cũng bắt đầu quan tâm, xây dựng hoàn thiện để phát triển loại hình du lịch này, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, nếu các tỉnh ở khu vực đồng bằng Bắc bộ với những làng nghề truyền thống nằm gần nhau thuận lợi trong xây dựng tour, tuyến du lịch thì đa số các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số khu vực khác thường các làng nghề xa nhau. Chính vì vậy, để khai thác các làng nghề đưa vào tour du lịch thì các công ty du lịch phải xây dựng tour kết hợp như: tham quan di tích lịch sử - văn hóa gắn kết với tham quan làng nghề; tham quan làng nghề với các cơ sở du lịch Homestay, vườn trái cây,…Mặc dù là loại hình nào thì những chương trình du lịch trên sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và khai thác tốt các tài nguyên du lịch sẵn có, góp phần duy trì hoạt động các làng nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Vĩnh Long cũng là một tỉnh có nhiều lợi thế về các làng nghề thủ công với nhiều ngành nghề có từ lâu đời, có những nghề trên 100 năm. Các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Long không phân bố rãi rác mà tập trung tại các huyện, tạo thành điểm nhấn riêng như: Huyện Vũng Liêm thì có làng nghề trồng và se lõi lác, dệt chiếu; Tam Bình thì có đan thảm lục bình, nghề làm bánh xếp; Mang Thít thì sản xuất gạch - gốm; Trà Ôn thì có làng nghề bánh tráng Cù lao Mây; thị xã Bình Minh có làng nghề sản xuất “tàu hủ ky Mỹ Hòa”; Huyện Long Hồ có làng nghề chằm nón lá, chằm lá; Bình Tân có nghề làm dưa cải;... Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương gắn kết với phát triển du lịch.

Sản phẩm làng nghề đan lục bình huyện Vũng Liêm

Sản phẩm làng nghề gốm huyện Mang Thít

Sản phẩm làng nghề tàu hủ ky

Tuy thời gian qua, du lịch làng nghề Vĩnh Long đã được nhắc khá nhiều, song sự gắn kết gần như chưa chặt chẽ giữa du lịch và làng nghề. Việc phát triển loại hình này chưa tập trung, mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nét độc đáo của các làng nghề còn ít và đơn điệu, chưa thu hút du khách và các công ty lữ hành; chưa có các lễ hội gắn kết với làng nghề của tỉnh. Việc các công ty du lịch gắn kết 01 điểm làng nghề vào trong tour du lịch tại Vĩnh Long theo phương thức là một điểm tham quan trong một chương trình du lịch lớn, làm cho chương trình tour thêm phong phú chú chưa chú trọng việc khai thác các giá trị văn hóa lẫn giá trị kinh tế từ các làng nghề. Nói như vậy, không phải chủ quan mà chính từ thực tiễn.

Khi đến các làng nghề, du khách chỉ được xem qua các công đoạn của quá trình làm ra sản phẩm là chủ yếu và “check–in” có đến nơi đây, rất ít cơ sở có bố trí khu vực và người hướng dẫn cho du khách có thể trải nghiệm tự mình làm ra sản phẩm và mua các sản phẩm đó. Vì vậy mà thời gian lưu lại tại các điểm này cũng khá ít, không góp phần kéo dài thời gian ngày lưu trú của khách tại tỉnh. Mặt khác, một số làng nghề có vị trí xa trung tâm nên khi di chuyển tốn nhiều thời gian. Tại các làng nghề, một số nơi chưa quan tâm vấn đề thẩm mỹ, môi trường phục vụ du khách, đôi lúc có nơi cảm giác nhếch nhác gây mất hình ảnh đẹp trong mắt du khách.

Mặc dù nhiều người lao động tại các làng nghề rất am hiểu kỹ thuật và quy trình làm ra sản phẩm nhưng họ không diễn đạt được mạch lạc, không thể làm một thuyết minh viên tại điểm để phục vụ du khách. Đa số, hướng dẫn viên đi cùng đoàn sẽ đảm nhận luôn vai trò của hướng dẫn viên tại điểm nhưng chắc hẳn không thể nào nội dung thuyết minh này lại thu hút bằng chính những người lao động nơi đây nói lên, bởi lời thuyết minh của chính người lao động sẽ mang hơi thở, niềm yêu nghề, tâm huyết của người dân nơi đây đối với nghề của họ. Qua đó mới truyền đạt hiệu quả những giá trị văn hóa tinh thần cho du khách.

Bên cạnh đó, các sản phẩm của làng nghề còn đơn điệu, chưa có thương hiệu nhãn mác, sự trao chuốt để tạo ra những sản phẩm làm quà tặng, quà lưu niệm du lịch phục vụ cho du khách. Từ đó, du lịch tại các làng nghề chưa khai thác việc tăng tính chi tiêu của du khách, khai thác không hiệu quả giá trị kinh tế từ du lịch mang lại.

Ngoài ra, yếu tố giao thông cũng là một vấn đề nan giải tại một số làng nghề. Thời gian qua, thông qua việc phát triển du lịch gắn kết với xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đến các điểm du lịch đã được quan tâm đầu tư. Song, vẫn còn nhiều điểm hiện nay các xe lớn chưa vào được, gây khó khăn cho xây dựng tour, tuyến du lịch như: đường đi đến làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa, làng nghề bánh xếp Tam Bình, một số điểm của làng nghề bánh tráng Cù lao Mây,…

Nhận thức được xu hướng chung và tầm quan trọng của du lịch gắn với làng nghề và làng nghề truyền thống, cũng như qua đánh giá những thuận lợi và tồn tại của du lịch Vĩnh Long thời gian qua, vào ngày 03/11/2020 UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long, trong đó xác định du lịch làng nghề là một trong bốn loại hình du lịch đặc thù của tỉnh cần tập trung phát triển trong thời gian tới (Du lịch Homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa). Nội dung của Đề án đã đề xuất nhiều giải pháp xây dựng và khai thác các sản phẩm đặc thù có hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Vĩnh Long, tạo ra tính hấp dẫn góp phần tăng lượng khách và doanh thu ngành du lịch giai đoạn 2020 – 2025.

Riêng đối với Du lịch làng nghề của tỉnh, ngoài các giải pháp nêu tại Đề án thì thiết nghĩ để nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực và khai thác tối đa những giá trị nhân văn sâu sắc từ các làng nghề để qua đó góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà, đề xuất thời gian tới các ngành, các cấp cần quan tâm những vấn đề sau:

Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá những điểm nổi bật, nét văn hóa đặc sắc của các làng nghề đặc trưng địa phương đến với du khách, các công ty du lịch để có sự kết nối tour, tuyến du lịch một cách thuận lợi. Cần thiết phải biên soạn các tài liệu tuyên truyền, quảng bá cho các làng nghề. Xây dựng sản phẩm thủ công đặc thù, mang đậm chất của làng nghề để tránh bị trùng lắp sản phẩm với tỉnh khác. Công tác tuyên truyền cần thực hiện đa dạng, bằng nhiều hình thức, nhất là tranh thủ mặt tích cực của các trang mạng xã hội, trang Web của các cơ quan chuyên môn và Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh để nhiều người, nhiều đối tượng được tiếp cận, nắm thông tin.

Ngành du lịch cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng hướng dẫn viên tại điểm của các làng nghề để họ tự tin, giới thiệu một cách thật hấp dẫn cho khu khách biết về những quy trình làm ra sản phẩm, những giá trị tinh thần kết tinh trong các sản phẩm làng nghề. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân giỏi, đào tạo nghệ nhân mới để có đội ngũ kế thừa trong tương lai, nghề truyền thống không bị mai một.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn các làng nghề quan tâm vấn đề mỹ quan, môi trường phục vụ du khách. Chủ các cơ sở làng nghề phải có những sáng tạo, trau chuốt sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, từ sản phẩm làng nghề thông thường có thể sáng tạo những sản phẩm nhỏ, gọn, phù hợp làm quà tặng, quà lưu niệm phục vụ khách tham quan; trang bị khu vực trải nghiệm cho du khách và các dịch vụ phụ trợ để tăng nguồn thu từ du lịch.

Hàng năm, ngành du lịch cần xây dựng các chương trình khảo sát, mời gọi các cơ sở kinh doanh lữ hành khảo sát các tuyến du lịch gắn kết với các làng nghề; tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi giữa các làng nghề với các cơ sở lữ hành để có sự trao đổi gắn kết. Đồng thời, qua trao đổi giữa các bên sẽ có sự điều chỉnh để ngày càng nâng cao chất lượng, xây dựng hoàn chỉnh và phát triển loại hình du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

Ngành Du lịch và ngành Công Thương cần tiếp tục phối hợp, khảo sát những làng nghề lâu đời; sản phẩm độc đáo để tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cần thiết thu hút khách du lịch, như vừa qua đang thực hiện tại làng nghề gạch – gốm Mang Thít (Đề án Di sản đượng đại Mang Thít). Bên cạnh đó, khi đầu tư các ngành cũng quan tâm quản lý chặt chẽ để tránh việc tái lập manh mún, tự phát.

Thực tế hiện nay cho thấy, xã hội càng hiện đại thì con người càng có xu hướng tìm về với các giá trị truyền thống. Do đó, du lịch làng nghề đang được xem là loại hình du lịch có thế mạnh về sự mới mẻ và khả năng khai thác dồi dào của nó và là xu hướng mà các quốc gia, các tỉnh thành khu vực quan tâm đầu tư phát triển hướng tới. Phát triển du lịch gắn với làng nghề là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay trong định hướng phát triển du lịch. Khẳng định, Vĩnh Long là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh du lịch làng nghề. Để làm được điều đó, rất cần sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa lĩnh vực du lịch và các làng nghề. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loaị hình du lịch này sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc, làng nghề không bị mai một. Ngược lại, văn hóa các làng nghề truyền thống đích thực luôn là một nhân tố hấp dẫn để phát triển du lịch. Hy vọng, với những định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh nói chung và du lịch làng nghề Vĩnh Long nói riêng giai đoạn 2020 – 2025, du lịch Vĩnh Long sẽ có bước đột phá, đạt mục tiêu lượng khách và doanh thu đề ra. Qua đó, đưa du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025.

                                                                                                     Trọng Tín

(Tài liệu nghiên cứu: (1) Hoàng Văn Châu, Phạm Thị Hồng Yến, Lê Thị Thu Hà (2007) Làng nghề du lịch Việt Nam; (2) Phan Thị Yến Tuyết (2002) Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ)

Ẩm thực

Địa điểm