CHAO VĨNH LONG – MỘT LOẠI GIA VỊ KHÔNG THỂ THIẾU TRONG GIAN BẾP

08/10/2024

Nhắc đến ẩm thực miền Tây nói chung, quê hương Vĩnh Long nói riêng, là nhắc đến thiên đường ẩm thực của những món ăn bình dị, dân dã với muôn hình vạn trạng cách chế biến khác nhau. Trong đó phải kể đến phương thức chế biến món ăn bằng cách lên men tự nhiên. Với phương thức này, người dân nơi đây đã tạo nên rất nhiều món ăn đặc trưng như các loại mắm, các món nem, dưa chưa, dưa cải,.. Bên cạnh còn có "chao" - một món ăn, nước chấm đồng thời cũng là một loại gia vị không thể thiếu trong gian bếp của các bà mẹ quê.

Không nhắc tới thì thôi, hễ nhắc tới cái món ăn bình dị, dân dã ấy là lòng tôi lại dâng lên một nỗi niềm khó tả, đó là nỗi niềm của một đứa con xa quê, nhớ nhà da diết. Nhớ lắm bữa cơm quê đơn giản chỉ với mớ rau tập tàng được hái trong vườn nhà rồi đem luộc chấm cùng với món chao quê. Dĩa rau tươi xanh do chính tay mẹ luộc hòa quyện cùng nước chấm chao do chính tay mẹ pha khiến cả nhà ai cũng mê mẩn ăn đến no căng cái bụng và hết sạch cả nồi cơm.

Cuộc sống ở quê chẳng thể đủ đầy, tiện nghi như thành phố nhưng người ta lại yêu thích cuộc sống nơi đây bởi nó bình yên, thanh mát, thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Ở quê, hễ nhà ở xóm trồng được loại cây trái, rau củ gì thì coi như những nhà lân cận thể nào cũng có loại cây trái, rau củ đó để ăn. Bởi khi thu hoạch, người quê tôi thường có thói quen đem qua cho nhà hàng xóm dùng lấy thảo. Tôi nhớ nhà bác Chín cùng xóm có mảnh vườn trồng đậu bắp quanh năm. Bác biết chị em tôi thích ăn đậu bắp luộc chấm chao nên bác hay mang sang cho nhà tôi lắm. Lần nào đem cho, bác cũng hỏi nhà còn chao không, nếu hết thì chạy qua nhà bác lấy đem về ăn. Đậu bắp giòn ngọt tự nhiên quyện cùng vị chao béo ngậy, mà hơn hết là tình làng nghĩa xóm đã biến hương vị của món ăn ấy trở thành ký ức chẳng thể nào quên của biết bao người.

Chao luôn có sẵn trong nhà, không chỉ vì nó rẻ, ngon, dinh dưỡng, lành tính mà còn vì một lý do hết sức đặc biệt đó là bởi cả nhà tôi ai cũng nghiện hương vị đặc trưng của loại thực phẩm này. Chao có nhiều loại, nhiều cơ sở sản xuất khác nhau nhưng mẹ tôi thường dùng nhất là thương hiệu chao Phước Hòa và Thuận Duyên do chính quê hương Vĩnh Long sản xuất. Có lẽ ăn riết thành quen, nên giờ đây dù xa quê, tôi vẫn có thói quen mua và sử dụng hai loại chao quen thuộc này.

Để những bữa cơm gia đình không bao giờ bị ngán, mẹ tôi thường dùng chao làm gia vị tẩm ướp, chế biến ra nhiều món ăn. Những ngày chay thì có rau củ kho chao, nấm xào chao, tàu hủ rim chao,.... Những ngày mặn, thì có các loại cá, thịt nướng chao, kho chao hay lẩu chao. Độ béo và vị đặc trưng của chao không chỉ giúp bữa cơm quê thêm thơm ngon, hấp dẫn mà còn lạ miệng, các thành viên trong gia đình ai cũng no lòng ấm dạ, tấm tắc khen ngon. Riêng món vịt nấu chao với thịt vịt ngọt mềm, khoai môn bùi dẻo, nước sóng sánh dậy mùi thơm đặc trưng đã góp phần làm nên món ngon dân dã nơi miệt vườn sông nước nói chung, quê hương Vĩnh Long nói riêng. Món ăn này thường được mẹ nấu khi sum họp gia đình, đám tiệc hoặc khách đến chơi nhà. Vịt nấu chao ăn kèm cùng với cơm hay bún cũng đều ngon.

Chao - món ăn truyền thống quen thuộc góp phần làm nên danh sách thiệt dài cho những món ăn dân dã, đậm đà tình quê. Chúng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên của biết bao người mà hễ ai đi xa thì nhớ, ở gần thì thương. Ngày nay, chao Vĩnh Long có nhiều thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng, du khách tin tưởng chọn làm quà phương xa./.

Bài, ảnh: Mỹ Xuân

Food

Attractions