Giới thiệu Vĩnh Long

23/02/2018 02/01/1970 02/01/1970 121 0

1. Lịch sử hình thành

Qua các nguồn tư liệu, hiện vật còn lưu lại, trong đó có các di tích ở địa phận Vĩnh Long như di tích ao hồ (xã Vĩnh Xuân - Trà Ôn) di tích thành cổ (xã Trung Hiệp và Trung Hiếu huyện Vũng Liêm) là bằng chứng về một nền văn hóa cổ đã từng hưng thịnh trên miền đất này vào những thế kỷ đầu công nguyên. Nhưng sau đó, nền văn hóa này rơi vào cảnh suy tàn do tác động đột biến về địa lý - sinh thái và kinh tế - xã hội, đặc biệt là địa bàn này chìm ngập trong nước sau lần "biển tiến" vào đầu thế kỷ thứ VII, cả vùng đất này bị hoang vu. Sau nhiều thế kỷ, nhiều lưu dân, thuộc nhiều tộc người đến khai phá, nhất là từ thế kỷ XVII, ba tộc người là Việt, Khơme và Hoa đến khai phá sinh cơ lập nghiệp .

Để chuẩn bị cho việc thiết lập bộ máy tổ chức hành chính, Chúa Nguyễn lập phủ Gia Định, dựng Dinh Trấn Biên và Dinh Phiên Trấn năm 1698 và giao cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức thực hiện. Năm Nhâm Tý 1732, Chúa Nguyễn Phúc Trú thiết lập phía nam Dinh Trấn Biên, Dinh Phiên Trấn đơn vị hành chánh mới là Long Hồ Dinh, Châu Định Viễn .

Lỵ sở Long Hồ  đóng ở thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, thường gọi là Cái Bè (Mỹ Tho). Năm 1757, chuyển về phía Nam sông Tiền thuộc xứ Tầm Bào, thôn Long Hồ (tức địa phận thành phố Vĩnh Long ngày nay).

Địa giới Dinh Long Hồ gồm cả dãy đồng bằng sông Tiền và sông hậu, gồm cả tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, An Giang ngày nay.

 Sau năm 1749, Dinh Long Hồ được mở rộng thêm, nhập vùng đất Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Di (Minh Hải), Trấn Giang (Cần Thơ), cả một vùng rộng lớn từ biển Đông đến giáp Campuchia, vị trí Dinh Long Hồ là trung tâm của châu thổ sông Cửu Long.

Lê Quí Đôn đã ghi: “Châu Định Viễn dân hơn 7.000 đinh, ruộng hơn 7.000 thửa, thuế mỗi hạng nhất 4 hộc, hạng nhì 3 hộc, Châu Định Viễn ruộng không cày, phác cỏ rồi cấy, một học thóc gặt được 300 hộc”.

Năm 1779, Nguyễn Phúc Ánh quyết định đổi dinh Long Hồ thành dinh Hoằng Trấn. Dinh Hoằng Trấn có một châu là Châu Dịnh Viễn và ba tổng Bình An, Bình Dương và Tân An để tiện việc quản lý về an ninh trật tự, lỵ sở Hoằng Trấn dời về Bà Lúa ở Cù Lao Tân Dinh (còn gọi là Bãi hoằng Trấn ) nay thuộc  ấp Tân Dinh, xã An Phú Tân (Cầu Kè – Trà Vinh). Chỉ vài tháng sau, Nguyễn Phúc Ánh đổi Dinh Hoằng Trấn thành Vĩnh Trấn. Phạm vi Vĩnh Trấn hẹp hơn Dinh Long Hồ (vì cắt một phần đất Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ để lập Trấn Định ) và dơi lỵ sở Vĩnh trấn về nơi cũ Tầm Bào (tức thành phố Vĩnh Long ngày nay).

Năm 1802, vua Gia Long đổi Phủ Gia Định thành Trấn Gia Định, rồi Thành Gia Định (1806), Hoằng Trấn đổi thành Trấn Vĩnh Thanh là một trong 05 trấn thuộc Thành Gia Định (Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Dịnh Tường, Hà Tiên). Trấn Vĩnh Thanh lúc này có số dân 37.000 người, đất nông nghiệp 139.932 mẫu .

Ngày 22/2/1813, Triều vua Gia Long thứ 12 cho tiến hành xây dựng thành từ công thự tại thôn Bình An và Trường Xuân thuôc làng Long Hồ, gọi là Thành Long Hồ (nay phường 1, thành phố Vĩnh Long). Trấn Vĩnh Thanh phía Đông giáp huyện Kiến Hòa (Định Tường), phía Tây giáp Campuchia, phía Nam giáp Kiên Giang, Long Xuyên (sông Hậu), Đông Nam giáp Biển Đông, phía Bắc giáp Mỹ Tho. Đông sang Tây 200 dậm, Nam Bắc  350 dậm gồm 1 phủ, 4 huyện, 6 tổng 356 làng.

Năm 1832, vua Minh Mạng thiết lập đơn vị hành chính đổi trấn thành tỉnh, Nam Bộ có 6 tỉnh (gọi Nam Kỳ Lục Tỉnh), trấn Vĩnh Thanh thành tỉnh Vĩnh Long. Tổ chức hành chính năm 1837 tỉnh Vĩnh Long có 4 phủ, 8 huyện, 47 tổng 408 xã.

Năm 1840, Côn Đảo sát nhập vào tỉnh Vĩnh Long và từ đây tỉnh Vĩnh Long ổn định vị trí cho đến khi Pháp xâm chiếm.

Năm 1875, Pháp tách tỉnh Vĩnh Long lập tỉnh Trà Vinh; năm 1899, tiếp tục tách lập tỉnh Bến Tre. Theo Nghị định ngày 20/12/1899 của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, tỉnh Vĩnh Long là 1 trong 21 tỉnh Nam Kỳ. Toàn tỉnh có 13 tổng, 105 làng tương đương địa giới các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Long Hồ, Măng Thít, thành phố Vĩnh Long và Chơ Lách (nay thuộc Bến Tre ) ngày nay.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tỉnh Vĩnh Long bấy giờ gồm 4 quận Châu Thành, Tam Bình, Vũng Liêm và Chợ Lách. Để tiện hoạt động kháng chiến chống giặc Pháp, ngày 16/5/1948, tỉnh Vĩnh Long được nhập thêm 2 huyện Cầu Kè và Trà ôn (Cần Thơ ) và tách quận Châu Thành thành 2 quận: Quận Nhất và Quận Nhì nên tỉnh Vĩnh Long có Quận Nhất, Quận Nhì, Tam Bình, Cầu Kè, Vũng Liêm và Trà Ôn với 63 làng và 217.600 dân.

Năm 1951, nhập Vĩnh Long - Trà Vinh thành Vĩnh Trà gồm 10 huyện, thị: Thị xã Vĩnh Long, Thị xã Trà Vinh, các quận: Vũng Liêm, Tam Bình, Cái Ngang, Châu Thành, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải (chính quyền Sài Gòn vẫn là 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh). Năm 1954, tách tỉnh Vĩnh Trà thành 2 tỉnh Vĩnh Long – Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long gồm thị xã Vĩnh Long, quận Châu Thành, quận Chợ Lách, quận Tam Bình, quận Long Hồ. Năm 1956, thành lập thêm huyện Bình Minh. Năm 1969, nhập 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Trà Vinh) vào Vĩnh Long. Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ có lúc nhập các huyện Châu Thành, Lấp Vò, Lai Vung, thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay) vào tỉnh Vĩnh Long và sau 1969, tách huyện Chợ Lách về Bến Tre. Năm 1976 nhập 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long gồm 14 huyện, thị và ngày 28/12/1991, tách Cửu Long thành tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh ( chính thức hoạt động ngày 5/5/1992).

Sau khi tách tỉnh, Vĩnh Long không thay đổi về địa giới hành chính và gồm 7 huyện, thị là thị xã Vĩnh Long và các huyện: Tam Bình, Bình Minh, Trà Ôn, Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít với 7 phường. 6 thị trấn và 94 xã. Ngày 31/7/2007, Chính phủ có Nghị định thành lập huyện Bình Tân từ huyện Bình Minh. Lúc này, Vĩnh Long có 8 huyện, thị là thị xã Vĩnh Long và các huyện: Tam Bình, Bình Minh, Bình Tân, Trà Ôn, Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít. Ngày 10/4/2009, Chính phủ đã có Nghị định thành lập thành phố Vĩnh Long từ thị xã Vĩnh Long và ngày 28/12/2012, có Nghị quyết chuyển huyện Bình Minh thành thị xã Bình Minh; điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các phường nên đến nay Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính, gồm 6 huyện (Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm), thị xã Bình Minh và Thành phố Vĩnh Long với 109 xã, phường, thị trấn (94 xã, 5 thị trấn và 10 phường).

2. Truyền thống yêu nước và chống ngoại xâm.

Lịch sử khai phá vùng đất Vĩnh Long chỉ khoảng 300 năm, nhưng nhân dân Vĩnh Long đã phải tiến hành 7 cuộc chiến tranh vệ quốc.

Tháng 9 năm Canh Dần (1770), khi quân xâm lược Xiêm do Phu Nhã Tân cầm đầu vây trấn Tân Thành (Hà Tiên), rồi tiến chiếm Cần Thơ, lúc này Tống Phước Hiệp đã cùng các tướng lĩnh kiên quyết tập trung lực lượng và huy động nhân dân Long Hồ Dinh, xuất quân đánh đuổi toàn bộ quân Xiêm về nước.

Tiếp đó vào tháng 6 năm 1784, nhân cơ hội Nguyễn Phúc Ánh cầu cứu quân đội nước Xiêm, giúp đánh lại phong trào Tây Sơn, vua Xiêm đã cử Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 20.000 quân và 300 chiến thuyền theo hai đường thuỷ bộ tiến quân vào nước ta. Trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm lần này, nhân dân Long Hồ Dinh đã ghi dấu chiến công oanh liệt khi cùng nghĩa quân Tây Sơn đánh bại liên quân Xiêm - Nguyễn Ánh vào ngày 13 tháng mười năm Giáp Thìn (1784) tại Vàm sông Măng Thít (nay thuộc xã Tân Long Hội, huyện Măng Thít), làm tổn thất nhiều quân Xiêm và tướng giặc là Thác Sĩ Đa bị thương nặng. Sau đó, nhân dân Long Hồ Dinh còn tiếp tục tham gia cùng quân Tây Sơn đánh bại hoàn toàn lực lượng quân đội nước Xiêm bằng trận thuỷ, bộ binh tại Rạch Gầm-Xoài Mút (thuộc tỉnh Tiền Giang hiện nay) vào cuối năm 1784 đầu 1785.

Đến năm 1833, Lê Văn Khôi khởi binh chống lại triều đình và quân Xiêm cầu viện, quan binh và nhân dân Vĩnh Long đã không những đuổi quân Xiêm ra khỏi Nam Kỳ mà lại còn đuổi họ đến tận thành Phnom Penh (Chân Lạp).

Ngoài 3 cuộc chiến thắng quân Xiêm, nhân dân Vĩnh Long còn ngăn chặn thành công 2 cuộc xâm lược của quân Pháp. Vào tháng 2 năm 1859, khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ I, nhân dân Vĩnh long và các vùng phụ cận đã tình nguyện đóng góp tiền của và con người để cùng với các quan quân địa phương tham gia chống giặc. Đến tháng 5 năm 1862, sau khi đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp đã tấn công Vĩnh long. Lúc này quan quân triều đình đã bỏ thành nhưng tại nhiều nơi trong tỉnh, dân chúng đã tự đứng ra tổ chức các lực lượng dân dũng (dân ấp, dân lân), sẳn sàng ứng nghĩa đánh giặc giữ làng. Nhờ đó, vào ngày 5/6/1862 (nhằm 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất), thực dân Pháp đã phải ký hiệp ước hứa trả lại Vĩnh Long.

Tiếp đến ngày 20/6/1867, bằng áp lực về quân sự cùng với thủ đoạn gian trá trong ngoại giao, thực dân Pháp đã chiếm lấy Vĩnh Long lần thứ hai, mở đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược trên vùng đất Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung .

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do sự xuí giục của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam, Pônpốt-Iêngsari đã dùng quân đội tiến hành cuộc xâm lấn biên giới Tây Nam, tạo chiến tranh giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Trong cuộc chiến tranh này, nhân dân Vĩnh Long đã đóng góp to lớn về người và của để phục vụ quân tình nguyện của Việt Nam và hỗ trợ về nhân lực, tài lực, giúp tỉnh Kôngpongsapu - là tỉnh kết nghĩa với Cửu Long, khôi phục và xây dựng lại quê hương sau nạn diệt chủng Pônpốt.

3. Môt số nét về vai trò "trung tâm - lúc xưa và cầu nối hiện nay" của tỉnh Vĩnh Long ở  miền Tây Nam Bộ.

Xuất phát từ yếu tố địa chính trị cho nên dưới thời chúa Nguyễn, khi mở rộng bờ cõi đã sớm thành lập đơn vị hành chính phía Nam sông Tiền vào năm 1732 và chọn Vĩnh Long làm thủ phủ. Sự thành lập dinh Long Hồ vào năm 1732 đã trở thành mốc lịch sử đặc biệt quan trọng đối với tiến trình lịch sử của vùng đất phía Nam sông Tiền nói chung, Vĩnh Long nói riêng. 

Dinh Long Hồ (1732 - 1771) lấy khai hoang là hoạt động hàng đầu, sản xuất nông nghiệp giữ vị trí trung tâm trong các hoạt động kinh tế. Sản lượng lúa của Long Hồ không những thỏa mãn nhu cầu đời sống của cư dân tại chỗ mà còn dư thừa, cung cấp cho miền trung và đưa vào kho dự trữ quốc gia hoặc trở thành hàng hóa trao đổi với các vùng khác. Lỵ sở của dinh Long Hồ nằm giữa hai trung tâm thương mại lớn của vùng đất phía Nam là Hà Tiên và Mỹ Tho khiến cho chợ Long Hồ là điểm trung chuyển hàng hóa, trao đổi sản phẩm phong phú, góp phần tăng cường vị trí trung tâm. Có thể nói, đến giữa thế kỷ XVIII, xứ Tầm Bào (địa phận Vĩnh Long ngày nay) không chỉ là thủ phủ của vùng đất phía Nam sông Tiền mà còn là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn, làm nhiệm vụ phòng thủ đất nước, giữ vị trí và vai trò trọng yếu trong sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước.

Nguyễn Cư Trinh luôn khẳng định vị trí quan trọng về nhiều mặt của dinh Long Hồ với toàn bộ vùng đất phía Nam sông Tiền và Nam bộ nói chung. Ông đã lập phương án phòng thủ toàn khu vực bằng cách cho lập các đồn binh ở bờ sông Tiền, sông Hậu và vùng biên giới, đồng thời lập 3 đạo Tân Châu, Đông Khẩu, Châu Đốc trực thuộc cơ quan đầu não ở dinh Long Hồ và tổ chức các trạm liên lạc thường xuyên để hợp đồng tác chiến với tướng sĩ Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên khi cần thiết. Đồng thời với việc triển khai hoạt động an ninh quốc phòng, Nguyễn Cư Trinh còn quan tâm về vấn đề kinh tế - xã hội cần được giải quyết, đặc biệt là tiếp nhận và tổ chức đời sống cho lưu dân, tiếp tục khai khẩn đất hoang, tăng cường vị thế chiến lược của Long Hồ Dinh.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), toàn bộ vùng đất Nam Bộ được chia thành 6 tỉnh, gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh, lúc này tỉnh Vĩnh Long được thành lập.

Khi thực dân Pháp chiếm Vĩnh Long (1867), địa giới và tổ chức hành chính tỉnh Vĩnh Long cơ bản vẫn giữ nguyên như năm 1851 (4 phủ, 8 huyện, bao gồm cả tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long, một phần tỉnh Bến Tre). Trụ sở của Phan Thanh Giản, quan kinh lược đại thần 3 tỉnh miền tây Nam Kỳ đặt tại thành Vĩnh Long.

Tỉnh lỵ Vĩnh Long lúc này không chỉ là trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa quan trọng của 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ mà còn là nơi đón nhận dân tỵ nạn từ ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đến trong những năm đầu thực dân Pháp xâm lược. Dân số tỉnh lỵ Vĩnh Long lúc này lên tới 210.000 người, chiếm 50% dân số toàn tỉnh là 423.000 người.

Thiếu tướng hải quân Pháp Delat de Grandierc trao quyền tổng chỉ huy 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ cho đại tá Raboul, bộ chỉ huy đóng tại tỉnh lỵ Vĩnh Long và sau khi chiếm được thành Vĩnh Long, Pháp đặt trụ sở tại tỉnh lỵ. Tỉnh Vĩnh Long trở thành thủ phủ của thực dân Pháp ở ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.

Suốt thời kỳ chống Pháp đến cuối thế kỷ XIX, trải qua cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Vĩnh Long tuy là một tỉnh nhưng những xung đột về chính trị diễn ra gay gắt do tính chất xung yếu và tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân nên kẻ thù tìm cách tiêu diệt. Do đó, cuộc đọ sức giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng tại Vĩnh Long luôn ở một cường độ cao.

Trong thời kỳ chống Mỹ, Ngô Đình Diệm đã chọn Cái Sơn (xã Tân Phú – Tam Bình ngày nay) làm thí điểm khu trù mật (1959), đến năm 1961 chúng cho xây dựng ấp chiến lược kiễu mẫu ở ấp Phước Ngươn B xã Phước Hậu, huyện Châu Thành (nay là Long Hồ) làm thí điểm cho toàn miền Tây.

Về phía ta, Vĩnh Long là trọng điểm hai của Khu trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, trong đó Vĩnh Long có nhiệm vụ cắt đứt đường giao thông không cho địch từ Sài Gòn về miền Tây co cụm.

Tính chất, đặc điểm về yếu tố trung tâm chính trị của Vĩnh Long đã kéo theo sự đối kháng tương ứng để biến Vĩnh Long thành " nơi thí điểm" của các chiến lược chiến tranh mà Pháp và Mỹ đã áp dụng ở miền Tây. Đó cũng là nguyên do đã khiến cho Vĩnh Long ngày một mất dần cơ hội phát triển trong quá khứ.

Vĩnh Long vẫn tự hào là một vùng "đất học" với những giá trị về văn hoá của "văn minh miệt vườn" và nhất là có một bề dày truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân dân Vĩnh Long đã vinh dự được tuyên dương là tỉnh Anh hùng và 3 huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn; 29 xã, 6 đơn vị, 30 cá nhân được tuyên dương Anh hùng, tiêu biểu là Thiếu tướng Anh hùng Lao động, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Anh hùng Lao động Lê Minh Đức; các Anh hùng Lực lượng vũ trang Lưu Văn Liệt, Đoàn Thị Thắng, Thạch Thia, Lê Văn Nhựt; hàng ngàn Bà Mẹ được tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó mẹ Nguyễn Thị Ngọt và Mai Thị Nhi có 7 liệt sĩ, 26 mẹ có 4-5 liệt sĩ… Các đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Nguyễn Văn Cung, Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Thiệt… là người con ưu tú của Đảng, được phân công gánh trọng trách của Trung ương và của tỉnh .

Vĩnh Long vốn là nơi sớm tiếp thu các giá trị văn hóa truyền thống và văn minh tiến bộ khác. Vĩnh Long có nhiều di tích văn hóa quốc gia như Văn Thánh Miếu, Chùa Tiên Châu, Đình Long Thanh, Chùa Phước Hậu, Chùa Ngọc Sơn Quang, Đình Tân Hoà, Miếu Công Thần… Vĩnh Long cũng sớm có phong trào văn nghệ, sáng tác ca ra bộ của Trương  Quang Huờn, Tống Hữu Định… Các nghệ sĩ nổi tiếng được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân như nghệ sĩ Phạm Văn Hai (Ba Du), nghệ sĩ Út Trà Ôn, Nghệ sĩ Thành Tôn… các nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan, Thanh Hương, Lệ Thuỷ, Hoàng Long… Nhiều nhà văn, nhà báo, nhiều hội viên nhạc, kịch, họa… cấp quốc gia.