Trăm năm thịnh suy gạch gốm Vĩnh Long

12/11/2024

Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) cho biết làng nghề làm gạch nung ở Vĩnh Long bắt đầu từ huyện Mang Thít hình thành cách đây hơn 100 năm. Vĩnh Long cũng được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Vang bóng một thời

Làng nghề gạch gốm Vĩnh Long đẹp như tranh - Ảnh: V.L

Cũng theo ông Phan Văn Giàu, thời hoàng kim làng gạch trải dài 30km trên địa bàn thành phố Vĩnh Long và 2 huyện Long Hồ, Mang Thít với hơn 3.000 lò hoạt động. Hiện còn khoảng 800 lò gạch, trên diện tích 3.000ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở ven kênh Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên (một nhánh sông Cửu Long).

Các lò gạch nằm ven sông, kinh rạch thuận tiện cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa đi các nơi. Thời kỳ hưng thịnh vào những năm 1980, nơi đây tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 12.000 lao động. Các sản phẩm gạch, gốm ngoài cung cấp cho nhu cầu trong nước còn xuất khẩu đi nước ngoài.

Nghề làm gạch nung có lịch sử hơn 100 năm ở Vĩnh Long - Ảnh: V.L

Vào thời hưng thịnh của nghề gạch gốm, mỗi nhà làm làm gạch gốm thường có 2 - 5 lò. Sau năm 2000, nghề nung gạch ở Mang Thít dần đi xuống do chi phí sản xuất cao, thói quen người dùng thay đổi, nghề làm gạch gốm giảm lợi nhuận. Nhiều nhà phá bỏ lò gạch để làm việc khác. Một số lò được giữ lại nhưng không hoạt động, theo thời gian cây cỏ bám đầy, phủ kín rêu phong.

Ông Nguyễn Văn Vinh, công nhân làm gạch ở kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít kể "Trước thập niên 1990 nơi này nhộn nhịp lắm, giờ đây làng nghề xuống dốc rồi". Người đàn ông 60 tuổi, có 30 năm làm gạch giọng buồn bã, tiếc nuối.

Nghề làm gốm đỏ từng có thời cực thịnh - Ảnh tư liệu

Chính sự phát triển gạch gốm Vĩnh Long đồ sộ như vậy nên người dân Vĩnh Long từng tự hào “Vương quốc gốm đỏ” để nói về vùng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lớn nhất khu vực ĐBSCL.

Với truyền thống gia đình sản xuất gạch gốm lâu năm, ông Nguyễn Văn Buôi chủ cơ sở sản xuất gạch ngói Tân Hiệp Phát (xã An Phước, huyện Mang Thít) cho rằng: “Với vốn liếng tích lũy được, các chú các ông vùng này đã rất thành công khi tận dụng những lò nung tròn truyền thống sẵn có để làm gốm. Nghề dạy nghề, làng nghề gạch, gốm đỏ nức tiếng trên đất Vĩnh Long cũng từ đó mà hình thành. Chủng loại sản phẩm cũng có sự phát triển đa dạng hơn, nhất là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng nội thất để xuất khẩu. Gạch cũng phát triển mạnh và xuất khẩu ra nước ngoài, phổ biến nhất là Campuchia".

Vào những năm 1980, ngành gạch gốm có gần 3.000 miệng lò hoạt động thường xuyên suốt năm. Làng nghề cung cấp gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu số lượng lớn cho người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm gốm với màu đỏ mang đặc trưng riêng của Vĩnh Long đã được được người tiêu dùng ưa chuộng; trong đó chủ yếu xuất khẩu.

Một công trình ba gian hai chái làm bằng gốm đỏ Vĩnh Long - Ảnh: V.L

Sau năm 2000, nghề gạch gốm Vĩnh Long suy giảm, có nhiều nguyên nhân, nhất là do cung cầu của thị trường giảm xuống. Một số cơ sở đã có cải tiến nhưng công nghệ sản xuất của ngành gạch gốm còn lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Một trong những tồn tại lớn của các cơ sở sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long là tình trạng khói, bụi do hầu hết các cơ sở sản xuất gạch gốm của tỉnh vẫn sản xuất bằng công nghệ lò tròn truyền thống, gây ô nhiễm môi trường; thời gian nung mỗi chu kỳ kéo dài làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh so với các lò cải tiến ở nơi khác.

Trong sự phát triển của đời sống xã hội, làng nghề sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long đứng trước những khó khăn, thách thức lớn.

Vực dậy làng nghề

Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trước những khó khăn của ngành sản xuất gạch gốm, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp nhằm vực dậy hoạt động làng nghề. Theo đó, năm 2013, tỉnh ban hành đề án ''Tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long'', năm 2016 tỉnh lại có đề án ''Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2016-2020' và 2021-2025”.

Gốm đỏ Vĩnh Long - Ảnh: V.L

Các đề án được triển khai với nhiều chính sách hỗ trợ về lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung; chuyển đổi công nghệ lò nung liên hoàn Vĩnh Long trong sản xuất gạch gốm; hỗ trợ các cơ sở gạch gốm chuyển đổi ngành nghề khác, xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất...

Các doanh nghiệp ngành gốm đang có hướng đi mới là sản xuất sản phẩm theo hướng tăng độ tinh xảo, giảm lượng nguyên liệu đất sét, đa dạng các sản phẩm hướng đến phát triển tiêu thụ thị trường nội địa và phục vụ khách du lịch nhằm tăng giá trị gia tăng sản phẩm.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp gốm đã đổi mới công nghệ từ nung bằng lò tròn truyền thống sang lò nung liên hoàn, cải thiện quy trình sản xuất, công nghệ nung gạch gốm thân thiện với môi trường và nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, dù đã hết hết sức cố gắng, ngành gạch gốm tỉnh Vĩnh Long chưa thể phát triển như trước đây. Hiện tại, toàn tỉnh còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, trị giá trị khoảng 400 tỉ đồng/năm.

Gốm và du lịch - Ảnh: Internet

Cũng theo bà Đoàn Thị Ngọc Diệp, để thực hiện đề án này, HĐND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm. Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060ha với 653 lò đã được người dân cam kết giữ gìn. Đề án đã được phổ biến rộng rãi và được người dân, nhất là người làng nghề đồng thuận. Tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng “vương quốc gạch gốm” sản xuất theo các quy trình hiện đại sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mang đến cho làng nghề một hướng đi mới góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tác giả: Văn Kim Khanh

Sưu tầm: https://1thegioi.vn/tram-nam-thinh-suy-gach-gom-vinh-long-225878.html

Food

Attractions